Menu

Đảm bảo tính hiệu quả các Ban QLDA chuyên ngành

Bộ Xây dựng vừa ban hành Thông tư số 16/2016/ TT- BXD hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 59/2015/NĐ-CP ngày 18/6/2015 của Chính phủ về hình thức tổ chức quản lý dự án đầu tư xây dựng. 

Với nhiều nội dung hướng dẫn cụ thể, các chuyên gia cho rằng, Thông tư số 16 sẽ góp phần tăng tính hiệu lực, hiệu quả, đảm bảo tính chuyên nghiệp trong công tác tổ chức, hoạt động của các Ban Quản lý dự án (QLDA) chuyên ngành cũng như khu vực.

Thông tư số 16/2016/TT-BXD hứa hẹn sẽ góp phần đảm bảo tính chuyên nghiệp các BQLDA chuyên ngành và khu vực.
Thông tư số 16/2016/TT-BXD hứa hẹn sẽ góp phần đảm bảo tính chuyên nghiệp các BQLDA chuyên ngành và khu vực.

Đảm bảo tính hiệu quả trong hoạt động của các Ban QLDA

Thông tư số 16/2016/TT-BXD hướng dẫn việc tổ chức lại hoạt động, thành lập Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng sử dụng vốn ngân sách nhà nước, vốn nhà nước ngoài ngân sách; xây dựng Quy chế hoạt động của Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực (sau đây viết tắt là Ban QLDA chuyên ngành, khu vực). Đối với dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài đã có thỏa thuận về hình thức quản lý dự án thì việc tổ chức quản lý dự án được thực hiện theo thỏa thuận với nhà tài trợ.

Thông tư cũng nêu rõ việc tổ chức lại hoạt động, thành lập Ban QLDA chuyên ngành, khu vực theo quy định của Luật Xây dựng phải bảo đảm phù hợp với định hướng, quy hoạch phát triển của Bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp, kế hoạch đầu tư công trung hạn, chủ trương đầu tư và yêu cầu về tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước; đáp ứng các điều kiện thành lập Ban QLDA chuyên ngành, khu vực quy định tại Khoản 2 Điều 62 và Khoản 1 Điều 63 của Luật Xây dựng; không làm gián đoạn tiến độ thực hiện dự án, không làm tăng thêm biên chế Ban quản lý dự án khi được sắp xếp, tổ chức lại hoạt động để thành lập Ban QLDA chuyên ngành, khu vực. Cán bộ, viên chức trong biên chế BQLDA chuyên ngành, khu vực không kiêm nhiệm các chức danh, nhiệm vụ công tác khác ngoài nhiệm vụ quản lý dự án được giao.

Ngoài ra, đối với các Ban QLDA chuyên ngành, khu vực được giao quản lý các dự án tại địa bàn miền núi, hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn, dự án quy mô nhỏ có yêu cầu lập Báo cáo Kinh tế kỹ thuật đầu tư xây dựng, dự án mới phê duyệt nhưng chưa được bố trí vốn thực hiện thì người quyết định thành lập Ban QLDA chuyên ngành, khu vực, người quyết định đầu tư căn cứ điều kiện cụ thế để hỗ trợ kinh phí hoạt động cho các Ban quản lý dự án này...

Cũng theo Thông tư, Ban QLDA chuyên ngành, khu vực do Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch UBND cấp tỉnh, cấp huyện quyết định thành lập theo quy định tại Điều 17, Điều 18 của Nghị định số 59/2015/NĐ-CP là tổ chức sự nghiệp công lập, hoạt động theo cơ chế tự chủ về tài chính, tự bảo đảm chi thường xuyên theo quy định của Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ Quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập.

Siết các điều kiện thành lập Ban QLDA chuyên ngành, khu vực

Thực tế hiện nay, việc thành lập quá nhiều các Ban QLDA, bộ máy tổ chức thiếu thống nhất, một số cán bộ làm việc tại các Ban QLDA chủ yếu mang tính chất kiêm nhiệm, không đúng chuyên môn đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến tính hiệu lực, hiệu quả của các ban.

Sự ra đời của Thông tư cũng sẽ góp phần hạn chế những bất cập này. Theo Thông tư số 16, các Bộ, cơ quan ngang bộ, UBND cấp tỉnh, cấp huyện, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước có trách nhiệm thành lập các Ban QLDA chuyên ngành, khu vực theo quy định tại Điều 17 của Nghị định số 59/2015/NĐ-CP để quản lý các dự án đầu tư xây dựng sử dụng vốn ngân sách nhà nước, vốn nhà nước ngoài ngân sách do mình quyết định đầu tư.

Đối với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, các Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành theo quy định tại Điều 76 của Nghị định số 59/2015/NĐ-CP thành lập các Ban QLDA chuyên ngành, khu vực để quản lý các dự án đã đầu tư. Trường hơp đã có doanh nghiệp trực thuộc có chức năng quản lý dự án, người quyết định thành lập Ban quản lý dự án căn cứ điều kiện cụ thể để xem xét, chuyển đồi mô hình hoạt động của doanh nghiệp hoặc bổ sung chức năng của Ban quản lý dự án chuyên ngành, khu vực để đảm nhận việc quản lý các dự án thuộc phạm vi quản lý của mình…

Cùng với đó, các Bộ ngành, cơ quan ngang Bộ sẽ căn cứ nhu cầu, quy mô đầu tư xây dựng theo kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm để xem xét, quyết định việc thành lập các Ban QLDA chuyên ngành, khu vực phù hợp với yêu cầu, điều kiện tổ chức quản lý thực hiện dự án. Trường hợp chưa có điều kiện đế thành lập Ban quản lý dự án hoặc Ban quản lý dự án được thành lập không đủ điều kiện năng lực đê quản lý tât cả các dự án thuộc phạm vi quản lý thì người quyêt định đầu tư giao chủ đầu tư thực hiện uỷ thác quản lý dự án cho Ban QLDA chuyên ngành, khu vực tại nơi có dự án để quản lý thực hiện.

Đối với cấp tỉnh, Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định thành lập các Ban QLDA chuyên ngành, khu vực theo quy định tại Điêm b Khoản 1 Điêu 18 của Nghị định số 59/2015/NĐ-CP….

Trao đổi về những hướng dẫn cụ thể của Thông tư số 16/2016/TT-BXD, Ông Phạm Xuân Luyến, Trưởng phòng Quản lý thiết kế (Cục Quản lý hoạt động xây dựng - Bộ Xây dựng) nhận định, khi Thông tư số 16/2016/TT-BXD ngày 30/6/2016 của Bộ Xây dựng hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 59/2015/NĐ-CP ngày 18/6/2015 của Chính phủ về hình thức tổ chức quản lý dự án đầu tư xây dựng chính thức có hiệu lực sẽ đảm bảo cho hoạt động của các BQLDA chuyên ngành, khu vực mang tính chuyên nghiệp, chuyên trách và giảm bớt được số lượng các ban quản lý, cũng như nguồn nhân lực phục vụ bộ máy này. Điểm mấu chốt của ban quản lý dự án chuyên ngành, khu vực là không sử dụng nguồn ngân sách, chỉ sử dụng vốn của ban quản lý dự án, không thực hiện chế độ kiêm nhiệm. Chính điều này, sẽ làm giảm số tiền chi trả cho các ban quản lý dự án chuyên ngành khu vực, tiết kiệm rất lớn các khoản chi cho ngân sách nhà nước.

Các chuyên gia cũng cho rằng, việc siết các điều kiện thành lập Ban QLDA chuyên ngành, khu vực theo quy định của Thông tư sẽ góp phần hạn chế được việc thành lập các Ban quản lý dự án tràn lan thiếu chuyên nghiệp như hiện nay. Việc ban hành Thông tư số 16 cũng sẽ là “rào chắn”, góp phần đảm bảo tính hiệu lực, hiệu quả, trong công tác tổ chức, hoạt động của các Ban Quản lý dự án (QLDA) chuyên ngành và khu vực.

Phúc Khang
baoxaydung.com.vn