Thang máy bắt đầu được đưa vào sử dụng tại Nhật vào những năm 1910. Vào thời điểm này, nhiều trung tâm bách hóa lớn theo kiểu phương Tây được khai trương ở Nhật. Trung tâm bách hóa thường là những tòa nhà lớn có nhiều tầng kinh doanh đủ các mặt hàng. Thang máy được lắp đặt đầu tiên tại các tòa nhà này để đáp ứng nhu cầu đi lại của khách mua sắm.
Trong giai đoạn đầu, nhiều người vẫn còn lạ lẫm khi di chuyển bằng thang máy. Bên cạnh đó, việc điều khiển loại phương tiện được du nhập từ phương Tây này cũng khá rườm rà. Vì vậy, tại mỗi buồng thang máy, người ta bố trí người chịu trách nhiệm vận hành thiết bị. Nhân viên gác thang máy thường là những cô gái trẻ tuổi.
Nhân viên gác thang máy thường là những cô gái trẻ tuổi
Ngày nay, một số trung tâm thương mại có lịch sử lâu đời ở Nhật vẫn tiếp tục sử dụng kiểu thang máy truyền thống như một cách để gợi nhớ về quá khứ. Sự có mặt của chúng không phá vỡ cảnh quang xung quanh mà ngược lại còn góp phần tôn thêm vẻ sang trọng.
Ngày xưa, thang máy được xem là bộ mặt của trung tâm thương mại, do đó, các địa điểm mua sắm luôn muốn tạo ấn tượng với khách hàng bằng cách trang bị những buồng thang máy cao cấp nhất du nhập từ phương Tây. Khoảng 10 năm sau khi được ứng dụng tại trung tâm thương mại, thang máy mới bắt đầu thịnh hành tại các khu dân cư.
Vào thập niên 1920, ngành xây dựng Nhật Bản đẩy mạnh phát triển công trình nhà cao tầng bê tông cốt thép để thay thế kiến trúc nhà gỗ truyền thống. Chung cư với nhiều căn hộ là giải pháp cho vấn đề nhà ở của dân số ngày càng đông đúc.
Và khi những tòa nhà cao tầng mọc lên thì thang máy được sử dụng để đáp ứng nhu cầu di chuyển lên xuống. Thang máy của phương Tây quá đắt tiền, do đó, hệ thống thang máy ở các chung cư là sản phẩm trong nước có giá rẻ. Những năm 1920 cũng là thời điểm đánh dấu sự ra đời của ngành công nghiệp chế tạo thang máy Nhật Bản.
Khi Chiến tranh Thế giới thứ II bùng nổ cũng là lúc lĩnh vực sản xuất thang máy của Nhật rơi vào giai đoạn suy thoái. Nước Nhật là một trong những quốc gia phát động cuộc chiến nên mọi nguồn lực trong nước đều tập trung cho chiến trường. Để có nguyên liệu sản xuất vũ khí và thiết bị quân sự, chính phủ đã ra lệnh trưng dụng tất cả kim loại trong dân chúng, từ chiếc nồi gia dụng đến chiếc chuông chùa. Vào thời điểm này, thang máy trở thành loại hàng hóa xa xỉ vì nó tiêu tốn nhiều kim loại. Hậu quả là ngành công nghiệp chế tạo thang máy bị đình trệ. Nó chỉ bắt đầu được chú ý đến và khôi phục trở lại sau khi kết thúc chiến tranh.
Sau chiến tranh, Nhật Bản là nước bại trận, cơ sở hạ tầng bị tàn phá nặng nề. Trong số những tòa nhà còn sót lại ở Tokyo, thang máy đều bị tháo gỡ trước đó để lấy kim loại. Chứng kiến thực trạng này, tướng Douglas MacArthur, chỉ huy lực lượng Mỹ phụ trách công cuộc chiếm đóng và cải tổ Nhật Bản, đã quyết định phục hồi ngành công nghiệp chế tạo thang máy.
Một lí do nữa đã góp phần thúc đẩy sự phát triển trở lại của ngành công nghiệp này là thực trạng xã hội của nước Nhật lúc bấy giờ. Vào những năm 1950, một lực lượng lao động khổng lồ từ vùng nông thôn đã đổ về Tokyo để tìm việc làm. Mật độ dân cư đông đúc đã tạo áp lực về nhà ở. Hàng loạt căn nhà tạm bợ đã mọc lên trong lòng thủ đô.
Trong nỗ lực xóa bỏ các khu nhà ọp ẹp và đáp ứng nhu cầu về nhà ở, năm 1955, Tập đoàn Xây dựng nhà Nhật Bản được thành lập. Chủ tịch tập đoàn là ông Kano Hisa-akira – nhà tài phiệt nổi tiếng. Tập đoàn của ông tập trung vào các công trình nhà ở cao tầng có trang bị hệ thống thang máy. Thang máy chỉ có một cánh cửa kim loại thay cho kiểu thang máy hai cánh cửa trước đây, buồng thang máy khá nhỏ. Vận tốc của loại thang máy này ở mức 1,8 km/h, chỉ bằng phân nửa so với vận tốc của chiếc thang máy thông thường hiện nay.
Sự phát triển của các chung cư nhiều tầng và cao ốc văn phòng tạo động lực thúc đẩy ngành công nghiệp sản xuất thang máy của Nhật Bản. Nhiều cải tiến kỹ thuật ra đời nhằm cải thiện tính năng hoạt động của thiết bị.
Kết quả là, vào thập niên 1970, mỗi năm có khoảng 10.000 chiếc thang máy mới được lắp đặt tại các công trình trên khắp nước Nhật. Thang máy trở thành phương tiện vận chuyển không thể thiếu trong cuộc sống của người dân nước này, đặc biệt đối với cư dân đô thị.
Không chỉ chế tạo thang máy siêu tốc dùng cho các cao ốc hay kiểu thang máy ngoài trời, Nhật Bản còn ấp ủ một dự án thang máy đầy tham vọng.
Giáo sư Ino-ue Tsubasa, công tác tại trường Đại học Shizu-oka, Nhật Bản là một trong những người rất quan tâm đến ý tưởng thang máy không gian. Ông đang tập trung nghiên cứu ống nano carbon – loại vật liệu có độ bền cao. Theo ý tưởng ban đầu của giới khoa học Nhật Bản, thang máy vũ trụ sẽ được tạo thành từ ống nano carbon có một đầu gắn vào bệ cố định trên quỹ đạo và đầu còn lại thả xuống mặt đất.
Tháng 8 năm 2010, Nhật Bản tổ chức cuộc thi thang máy không gian quốc tế tại tỉnh Chiba. Cuộc thi nhằm thu hút sự quan tâm của dư luận về dự án thang máy chinh phục không gian.
Thang máy không gian – ý tưởng có vẻ táo bạo nhưng được chính phủ Nhật Bản rất chú trọng. Nước này từng thông báo sẽ chi ít nhất 9 tỷ USD cho kế hoạch xây dựng một thang máy đưa người và hàng hóa lên quỹ đạo Trái đất. Nếu kế hoạch thành công thì đây sẽ là chiếc thang máy đầu tiên trên thế giới nối liền mặt đất với vũ trụ và khi ấy, lịch sử ngành công nghiệp chế tạo thang máy của Nhật Bản sẽ lại ghi thêm một dấu ấn vẻ vang.
Theo THVL